Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Lời cảm tạ


                              
                                       

Kính thưa cô giáo chủ nhiệm lớp 9/6, quý bậc phụ huynh cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!

Hòa chung không khí phấn khởi, vui tươi cả nước hướng về ngày tri ân các nhà giáo, hôm nay, các bậc phụ huynh cùng tập thể học sinh lớp 9/6 trường THCS Lý Tự Trọng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Rất vinh dự cho em được thay mặt cho tập thể học sinh lớp 9/6 nói lên đôi lời suy nghĩ của mình trong ngày lễ đặc biệt này.
                                                                                                                              
Thưa cô giáo chủ nhiệm cùng các bậc phụ huynh!

Ngay từ thuở còn đang học nói, tập đi, chúng em đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy điều mang tính chân lí và cũng là đạo lí: Không Thầy đố mày làm nên. Hai chữ Thầy Cô bình dị ấy cứ thiêng liêng dần trong kí ức, trong tâm hồn chúng em. Được đi học, được biết Thầy, biết Cô chúng em càng hiểu vai trò của Thầy, Cô, càng ghi sâu công ơn thầy cô, những người chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò chúng em trở thành hiện thực. Thầy cô là những kĩ sư tâm hồn, những người đang tạo ra cho xã hội, cuộc sống những sản phẩm là những Con Người. Để những sản phẩm của mình luôn hoàn thiện ở mức tối đa có thể, các Thầy, Cô đã lao động đến mức quên cả chính bản thân mình. Hiểu được sự tận tuỵ trong lao động trí tuệ và tâm hồn của các Thầy, các Cô, chúng em đều cố gắng học tập, rèn luyện và tu dưỡng. Trong mỗi thành công, mỗi sự trưởng thành của chúng em đều ẩn hiện những giọt mồ hôi, những sợi tóc bạc màu, những trăn trở vui buồn của các Thầy, các Cô.

Dưới mái trường THCS Lý Tự Trọng ấn tượng về nghĩa tình Thầy Cô dường như đậm nét và sâu sắc hơn tất cả so với những gì chúng em đã có. Chính nơi đây, nhân cách chúng em được khẳng định và hoàn thiện, là nơi mà các Thầy Cô giúp chúng em có thêm hành trang để vào đời. Trường THCS Lý Tự Trọng - điểm đến mơ ước của bao thế hệ học trò, là cái nôi nuôi dưỡng tri thức và tâm hồn của lớp lớp học sinh. Chúng em thấy mình thật may mắn khi được ngồi dưới mái trường này, trong lớp 9/6, được chăm sóc, dạy bảo bởi những người cha, người mẹ tinh thần của mình. Hơn bao giờ hết, chúng con nhận được sự quan tâm dạy dỗ ân cần, tận tâm từ các cô thầy, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm. Cô chính là người mẹ thứ hai của chúng con. Tuy rất nghiêm khắc nhưng cô vẫn dành cho chúng con một tình yêu dạt dào, tha thiết. Nhớ những lần cô bị ốm, hay những lúc đối mặt với nhiều lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống riêng, cô vẫn quan tâm, trăn trở với lớp, với từng chuyển biến trong suy nghĩ, thói quen sinh hoạt...của các bạn mà gần gũi cô nhiều, lòng con thấy ngậm ngùi, rưng rưng...
Ngẫm lại những ngày qua, chúng con đã nhận được quá nhiều từ lớp học này, ngôi trường này. Bên cạnh tri thức khoa học, chúng con được trau dồi cái đạo làm người, cách sống và cư xử đúng đắn và dần hoàn thiện nhân cách để trở thành 1 đứa con ngoan trò giỏi, 1 công dân có ích cho xã hội mai này.

 Chúng con yêu các bài giảng của Thầy, của Cô, yêu những giờ lên lớp được đón nhận suối nguồn tri thức mới mẻ mà cuộc sống là cả 1 đại dương rộng lớn. Chúng con yêu cả những giọt mồ hôi lấm tấm, những cơn ho giữa giờ,...hay bao lần bài giảng chưa trọn vẹn. Chúng con hiểu các thầy cô đã vất vả như thế nào, và nếu ko có tình yêu nghề và tình thương với học trò, thì các thầy cô ko dốc hết lòng vì sự nghiệp trồng người được như vậy.  Tất cả những gì thầy cô làm đều vì chúng con, vì bao thế hệ Việt Nam đã lớn lên và ra đi, từ mái trường này...

Tự hào và cảm động trước thành tích và công lao của các Thầy, các Cô, chúng con xin gửi tới những người cha, người mẹ tâm hồn của mình lời tri ân sâu sắc nhất. Chúng con  xin hứa sẽ tích cực hơn trong học tập, rèn luyện và tu dưỡng, luôn luôn trau dồi, phát huy tinh thần “học, học nữa, học mãi”, nỗ lực không ngừng để góp phần xây dựng lớp 9/6 một tập thể lớp luôn thi đua học tập tốt; tiếp thu, ứng dụng những kiến thức thầy cô truyền dạy để  xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Một lần nữa cho phép em gửi tới cô giáo chủ nhiệm lớp 9/6, quý bậc phụ huynh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc các bạn học sinh sẽ học tập thật tốt để thầy cô luôn tự hào vì chúng ta.

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Ý NGHĨA NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

                        

Ý NGHĨA NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Ngày nhà giáo Việt Nam (hay ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam. Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục và là ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành này. Ngày này là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy. Trong ngày này, các học sinh thường đến tặng hoa cho các thầy cô giáo. Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục
Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam. Những nǎm sau đó, ngày lễ này được còn tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20 tháng 11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.
Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".

 
Photobucket 

CHÀO MỪNG 30 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

           CHÀO MỪNG 30 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

  Để chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, trường THCS Lý Tự Trọng tổ chức rất nhiều hoạt động. Trong đó có cuộc thi làm thơ văn về mái trường, thầy cô giáo.
  Hưởng ứng cuộc thi do trường đề ra, lớp 9/6 cũng có rất nhiều bạn tham gia. Sau đây là bài viết của một số bạn:
                              
                                      Kỷ niệm mùa thu         

                               
                               Một góc sân nắng đỏ rực giữa trời
                               Tôi miên man từng bước trên thềm xanh
                               Lòng bồi hồi nhặt chiếc lá khẽ rơi
                               Còn vương vấn mong manh tựa trên cành
                               Mùa thu! Ôi kỳ diệu và xao xuyến!
                               Giữa sân trường chùm hoa nắng đỏ tươi
                               Tôi gom lại nâng niu cùng tuổi thơ
                               Nhớ lắm những tuổi học trò mộng mơ
                               Nhặt hoa phượng xếp thành cánh bướm xinh
                               Nhớ lắm những buổi tựu trường mùa thu
                               Tay trong tay cùng bè bạn đến lớp
                               Đường về tuổi thơ sao dài và rộng
                               Khiến lòng ta bồi hồi cảm xúc lạ
                               Nỗi niềm xưa in dấu bao mùa nắng
                               Lại ùa về xao xuyến cùng tháng năm
                               Thời gian ơi xin hãy ngừng trôi mau
                               Cho tôi chút yêu thương của mùa thu
                               Thầy cô, bè bạn và mái trường yêu dấu
                               Tôi sẽ nhớ mãi không bao giờ quên
                               Những kỷ niệm của mùa thu năm ấy!

                                                    ( Võ Thị Minh Chân, 9/6)
 
                                          

                                                Trở về

                                Người thầy đưa khách sang sông
                                Con như người khách học thầy 
                                Bao lần nhớ lại thầy xưa
                                Thầy ơi! Năm tháng nắng mưa dãi dầu
                                Con về thăm lại thầy xưa
                                Chỉ gió trưa thổi rì rào hàng tre
                                Líu lo chim hót sau hè
                                Nghe như tiếng gọi bạn bè thân quen
                                Vọng theo lời giảng hôm nào 
                                Tiếng thầy êm dịu ấm vang cuộc đời
                                Con về thăm thầy rưng rưng
                                Bài học thưở ấy khắc ghi trong lòng
                                Thầy vẫn đưa đò sang sông
                                Cho bao thế hệ học trò yêu thương
                                Chở con đi tới bến bờ
                                Vững vàng tri thức là nhờ công lao
                                Thầy ơi! Không quản đêm ngày
                                Thầy lo cho cả thế hệ ngày xanh
                                Ngọt trong như suối yên lành
                                Thầy là dòng suối suốt đời em ghi.

                                                    (Huỳnh Hồ Thảo Nguyên, 9/6)




                                             Ngày hôm qua
 
Tý ơi, em học thuộc bài chưa mà đòi đi chơi đấy? Tiếng Ngọc vang lên khiến cậu em nghịch ngợm vừa định tót sang nhà bạn Bi hàng xóm phải dừng lại.
 - Chị Ba à, Tý học xong hết rồi mà. Cho Tý đi chơi đi. Cậu bé phụng phịu.
 Ngọc nhìn em trìu mến rồi lại gần xoa đầu cu Tý : "Được, vậy bây giờ chị dò bài Tý nhé! Nếu không thuộc là chị bắt phạt nghe chưa". Cu cậu mắt long lanh nhìn chị gật đầu.
 Ngọc lấy cuốn sách tập đọc lớp 2, dừng lại ở một bài thơ và hỏi "Tý vừa học xong bài thơ Ngày hôm qua đâu rồi phải không? Vậy hãy đọc diễn cảm chị nghe xem nhé!"
 Tý mỉm cười với chị, dõng dạc đọc rõ từng câu thơ...
 Ngày hôm qua đâu rồi?
 Ra ngoài sân hỏi bố
 Xoa đầu em bố cười
 Ngày hôm qua ở lại
 Trên cành hoa trong vườn
 Nụ hồng lớn thêm mãi
 Đợi đến ngày toả hương
 Ngày hôm qua ở lại
 Trong hạt lúa mẹ trồng
 Cánh đồng chờ gặt hái
 Chín vàng màu ước mong
 Ngày hôm qua ở lại
 Trong vở hồng của con
 Con học hành chăm chỉ 
 Là ngày qua vẫn còn
 Ngọc thấy vui khi nghe lại bài thơ hồn nhiên mà mình từng ê a đọc thời thơ ấu. Tý đã sang chơi nhà bạn mà Ngọc vẫn còn ngẩn ngơ, suy nghĩ về cái nhìn trong trẻo của cậu em ngoan ngoãn khi ngân nga bài thơ ngũ ngôn này...
 Ngày hôm qua ở đâu? Cũng đôi lần Ngọc tự hỏi...Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày nào Ngọc cũng bé loắt choắt như Tý theo mẹ cắp sách đến trường mà bây giờ Ngọc đã là học sinh cuối cấp 2, đã bước vào tuổi trăng tròn rồi đó.
 Ngọc nghĩ về thời gian, về năm học cuối bộn bề thi cử, về những ước mơ phía trước và một chút luyến tiếc khi sắp xa thầy, xa bạn...Lên cấp 3 rồi, lớp Ngọc sẽ không cùng được học chung như bây giờ nữa, có bạn sẽ thi vào trường chuyên, có bạn chỉ học trường công lập bình thường...Và Ngọc bùi ngùi khi nghĩ về cô chủ nhiệm
 Cô Mận đã theo đám học trò siêu quậy này cũng gần 2 năm. Cô rất nghiêm khắc, kiệm lời song rất mực lo lắng, quan tâm đến học sinh.
 Cũng có đôi lần, sự khắt khe của cô làm Ngọc thấy sợ và không muốn làm học trò của cô nữa, nhưng nhớ lại những lần cô bệnh mà vẫn không bỏ lớp, những lần cô lặn lội đường xa đến thăm những bạn có hoàn cảnh khó khăn, hay những giờ ôn tập cô kèm cặp từng bạn yếu kém rất tỉ mỉ...mà Ngọc thấy rưng rưng...
 Vâng! Ngày hôm qua...Dù có thể sẽ không thay đổi hay khác đi được, nhưng Ngọc hiểu ra một điều, phải học tập nghiêm túc và chăm chỉ từng ngày, thì hôm nay chính là tâm gương phản chiếu của ngày hôm qua. Có đôi khi Ngọc thấy mình và các bạn xung quanh cứ mãi mê xây đắp ước mơ ở tương lai, nghĩ về ngày mai nhiều hơn là hôm qua và hiện tại, nhưng Ngọc quên mất rằng, phải sống và rèn luyện tốt từng ngày, thì mới có được một ngày mai thật đẹp như ước mơ.
 Ngọc thầm cảm ơn em trai, nhờ bài thơ nho nhỏ ấy mà Ngọc đã tự tin và yêu đời hơn. Yêu từng ngày mình được sống, bên gia đình và bạn bè, yêu từng khoảnh khắc mình trưởng thành lên cùng những bài giảng của cô, và đối diện với sự chia xa Ngọc từng rất sợ ấy, Ngọc sẽ học cách yêu cả những ký ức và tình cảm đẹp bên mái trường...
 
                                                                               ( Dương Thị Bích Thư, 9/6)           


Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Tiểu sử Tô Hiệu


                                                    
                                                      TIỂU SỬ TÔ HIỆU

Tô Hiệu sinh năm 1912, trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1972 Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt thị xã Hải Dương và sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá truy điệu Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu
Năm 1928, vào Sài Gòn, cùng anh ruột là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1929 ông là Đảng viên Quốc dân Đảng, hoạt động tại Sài Gòn. Năm 1930, ông bị bắt và bị kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Những năm tháng tại Côn Đảo, Tô Hiệu đi theo lý tưởng cộng sản và chỉ một thời gian sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương
Năm 1934, Tô Hiệu mãn hạn tù. Không chịu được sự quản thúc của chính quyền thực dân ở địa phương, ông trốn đi Hà Nội hoạt động và được phân công xây dựng cơ sở cách mạng ở Thái Nguyên. Mặc dù bị ho lao do kết quả 4 năm tù khắc nghiệt tại Côn Đảo, Tô Hiệu vẫn hăng hái công tác và năm 1936 được cử vào Ban thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn.
Cuối năm 1938 Tô Hiệu đựơc phân công phụ trách miền Duyên hải Bắc Kỳ. Tại Hải Phòng, Tô Hiệu hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức nhiều cuộc đình công, biểu tình và trực tiếp tham gia đấu tranh. điển hình là cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân nhà máy Tơ Hải Phòng bắt đầu từ tháng 4 năm 1939 đến ngày 21 tháng 5 năm 1939. Tô Hiệu chỉ đạo chi bộ Đảng nhà máy Tơ lãnh đạo tranh đấu, liên hệ với náo Đời Nay, yêu cầu đưa tin ủng hộ, gặp tổ chức Thanh niên dân chủ Pháp và Thanh niên dân chủ Việt Nam yêu cầu giúp đỡ. Cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy Tơ Hải Phòng gây được tiếng vang lớn, được Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang hoạt động ở nước ngoài quan tâm chú ý.
Ngày 30 tháng 5/1939 Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thuế đèn, thuế nước của hàng ngàn công nhân tiểu thương và lao động thành phố Hải Phòng. Thực dân Pháp bắt 72 người biểu tình, trong đó có Tô Hiệu; nhưng Tô Hiệu thoát được ra ngoài. Tháng 10 năm 1939, Xứ uỷ Bắc Kỳ thành lập các khu Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ thuộc khu B (sau đó gọi là liên tỉnh B) trong đó Tô Hiệu làm Bí thư Khu uỷ, xúc tiến ra báo Chiến Đấu, cơ quan tuyên truyền của Khu uỷ B.
Trước sự đàn áp của thực dân Pháp đối với phong trào, Tô Hiệu chuyển hướng hoạt động từ công khai rút vào bí mật, sàng lọc cán bộ công khai. Trong suốt thời kỳ hoạt động ở Hải Phòng, Tô Hiệu với cương vị Bí thư Khu uỷ B đã không thành lập Thành uỷ Hải Phòng mà trực tiếp lãnh đạo phong trào.
Ngày 1 tháng 12 năm 1939, Tô Hiệu bị bắt tại một cở sở in ở xóm Hạ Lý, khu vực nhà máy chỉ và bị tra tấn. Bị kết án 5 năm tù, Tô Hiệu bị kết án tù tại nhà tù Sơn La. Tại đây, ông được bầu làm Bí thư chi bộ Đảng, tham gia công tác tuyên truyền cách mạng và đấu tranh cải thiện chế độ nhà tù.
Ông mất ngày 7 tháng 3 năm 1944 tại nhà tù Sơn La sau một thời gian bị lao phổi. Mộ ông được an tháng tại nghĩa trang Vườn ổi.

Tiểu sử anh hùng Lý Tự Trọng



Tiểu sử Liên Đội mang tên:             - LÝ TỰ TRỌNG - 
                                                 
     Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, còn được gọi là Huy (sinh ngày 20 tháng 10 năm 1914-1931) là một trong những nhà cách mạng trẻ tuổi nhất của Việt Nam)
Lý Tự Trọng quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm, đều là những Việt kiều yêu nước sống ở Nakhon; họ gốc của ông vốn là Lê Hữu song đến đời ông thì được đặt thành Lê Văn. Ông có đông anh chị em gồm: Lê Văn Đại, Lê Văn Tăng, Lê Văn Năng, Lê Thị Sáu, Lê Thị Bảy.....
Năm 1923, chỉ mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập va nói thạo tiếng Thái Lan,tiếng Hán và tiếng Anh. Ông hoạt động trong Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí. Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên Cộng Sản Đông Dương và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam Kì với Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 9 tháng 2 năm 1931, trong buổi mít tinh kỉ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, khi mật thám đến đàn áp, Lý Tự Trọng đã bắn chết thanh tra mật thám Le Grand, ông bị bắt và kết án tử hình vào ngày 20 tháng 11 năm 1931 khi ông mới 17 tuổi.
Trong thời gian chiến tranh, các em ông gồm có Lê Văn Đại, Lê Văn Năng, Lê Văn Tăng đều đã trở về Việt Nam để tiếp bước chân ông hoạt động Cách Mạng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng của nước nhà, những người em còn lại của ông hiện vẫn sống tại tỉnh Nakhon của Thái Lan.Cụ Năng và cụ Tăng hiện đã mất, chỉ còn cụ Lê Văn Đại hiện vẫn sống khỏe mạnh cùng các con cháu tại Hà Nội. Hiện nay cụ đã được 94 tuổi và là một trong số ít những Đảng viên có trên 70 năm tuổi Đảng.
Nhà thờ Lý Tự Trọng được xây trên nền nhà tổ tiên của dòng họ Lê tại xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng là ngôi nhà của cụ Lê Văn Tăng.
Tên của anh đã được đặt cho tên của một giải thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cho thanh niên. Ngoài ra, tên của anh cũng được đặt cho nhiều trường học và con đường ở Việt Nam